'Rừng mắm' – luyến lưu cảnh cũ, người xưa

  • Ba thực phẩm chống lão hóa chuyên gia Nhật khuyên dùng
  • 6 thực phẩm nên ăn hàng ngày để giảm mỡ bụng
  • Đệ nhất mỹ nhân Đài Loan khoe vòng eo 56 ở tuổi U60

  • Tác giả Bình Nguyên Lộc tái hiện một phần lịch sử vùng Nam bộ buổi khai hoang và nỗi lưu luyến cảnh cũ, người xưa trong tập truyện “Rừng mắm”.

    Tuyển tập gồm 15 truyện ngắn, phát hành đầu tháng 4, xoay quanh cảm hứng về cội nguồn, di dân, ngôn ngữ và cõi âm. Với văn phong mộc mạc, Bình Nguyên Lộc dệt câu chuyện về những người mở đất, bám đất và nỗi nhớ quê. Tác giả cũng ghi lại lời ăn, tiếng nói, cách sinh hoạt của người Nam bộ xưa.

    Rừng mắm – in lần đầu ở tập Ký thác (NXB Cửu Long, hồi 1968) – được chọn là truyện mở màn kiêm chủ đề. Tác giả tái hiện công cuộc mở đất vùng Nam bộ, có cả nước mắt, sự hy sinh của nhóm người Việt đầu tiên. Vì không có đất, nghèo đói, ba thế hệ nhà Cộc phải lưu lạc tận xứ U Minh, Cà Mau. Căn nhà xập xệ được dựng bên bờ rạch, đặt tên Ô Heo – vốn là hang ổ của heo rừng, thú dữ.

    Khi ấy, vùng này không trù phú, mà được mô tả như “cái xó không người”, đất mặn chát, mười công đất chỉ gặt được tám giạ lúa. Khí hậu khắc nghiệt, nóng ẩm, quơ tay là vơ cả nắm muỗi mòng. Gia đình Cộc nỗ lực giành từng tấc đất bằng sức người và sự tháo vát. Họ đốt rừng tràm làm ruộng, biến gốc tràm thành “nọc nạng” gác lúa, đuổi thú dữ, rồi kiến tạo vườn trên những “miếng vườn cao cẳng”.

    Ở tuổi bắt đầu biết bâng khuâng, Cộc “thèm người”, thèm chè, nhớ đám cúng đình, hát bội. Cậu cho rằng ở đây gia đình có ruộng nhưng sẽ khổ cả đời, vì thế muốn đi nơi khác. Nhưng ông nội giải thích để Cộc hiểu lý do họ phải hì hục 5 năm trong đồng chua nước mặn.

    “Phù sa là đất bùn mềm lũn, không bao giờ thành đất thịt để ta hưởng nếu không có rừng mắm mọc trên đó cho chắc đất. Một khi kia cây mắm sẽ ngã rạp. Giống tràm lại nối ngôi mắm. Rồi sau mấy đời tràm, đất sẽ thuần, cây ăn trái mới mọc. Đời cây mắm tuy vô ích, nhưng không uổng, như lính ngoài mặt trận. Họ ngã gục để kẻ khác là con cháu đời sau hưởng”, sách có đoạn.

    Bìa tuyển tập Rừng mắm, 188 trang, in lần đầu trong tập Ký thác hồi 1968 , tái bản đầu tháng 4. Ảnh: NXB Trẻ

    Bìa tuyển tập “Rừng mắm”, 188 trang, in lần đầu trong tập “Ký thác” hồi 1968, tái bản đầu tháng 4. Ảnh: NXB Trẻ

    Ở truyện ngắn Bám níu, tác giả khắc họa chân dung những người bám đất. Lúc tát vũng, dân quê Đông Nam bộ phát hiện cá không bơi từ đồng ruộng ra sông lớn trong đợt mưa cuối mùa mà lội ngược dòng ở lại ao vũng.

    Lão Nghiệm – được ví như tộc trưởng thời xưa – lý giải cá không “chạy” vì yêu nơi chôn nhau cắt rốn, cố lội ngược dòng, bám níu để ở lại nơi chúng đã chào đời. Từ đó, lão liên tưởng đến thế hệ ông bà quyết không rời bỏ quê hương, giữ xóm làng vì “còn làng mới còn nước”.

    Xuyên suốt tập truyện, Bình Nguyên Lộc lồng ghép niềm nhớ tiếc cảnh cũ, người xưa, điển hình là truyện ngắn Xe lửa Mỹ bung vành, Hồn ma cũ, Tình thơ dại, Chiếc khăn kỷ niệm, Tiếng thời gian, Hương gây mùi nhớ. Cảm hứng về thời gian, biến thiên, tàn phai hay sự thay đổi hiện diện trong từng trang viết.

    Trong Xe lửa Mỹ bung vành, đường xe lửa từng đi vào lời ước hẹn, ca dao bất ngờ bị xóa sổ, những người sống dựa vào nó cũng tan tác, mỗi người một ngả. Câu hát cũ hóa hiện thực, mối tình chưa kịp đơm hoa đã vỡ tan: “Ù ơ, chừng nào xe lửa Mỹ bung vành/Tàu Tây lủng đáy, anh mới đành xa em”.

    Tác giả mượn bối cảnh “chuyến xe cuối cùng của nửa thế kỷ” để khép lại ảo ảnh một mối tình, nhưng nó “khởi hành mau lẹ, chứ không bịn rịn”. Tương tự, nhân vật chính trong truyện ngắn nghiệm ra đó có thể là “chuyến xe đầu tiên” cho những cuộc hội ngộ sau này.

    Trong Chiếc khăn kỷ niệm, Bình Nguyên Lộc thuật câu chuyện lạ lùng khi nam chính thăm bệnh, đưa tang một người vốn không phải bà con, cũng không quý mến. Mắt, mũi đỏ hoe, nhân vật lý giải người chết cùng làng, chung chân trời quen thuộc với mình thuở bé. Ngôi làng ấy đã bị xóa sổ, trống trải như sa mạc sau cuộc kháng chiến, cháy không còn một gốc cây. “Kể từ ngày ấy, tao bỗng thấy những đồng hương sống sót và trôi dạt xuống đây, quý báu không biết bao nhiêu. Họ gợi hình ảnh quê tao, vùng đất tao rất thương yêu”.

    Trong Hồn ma cũ, nhân vật chính lưu luyến khung cảnh, không khí tiệm cà phê cũ, với tiếng dao hạ xuống thớt theo nhịp điệu, tiếng những anh phổ ky gọi món ăn hoặc hô số tiền bằng lời hát vần vè. Với Tiếng thời gian Hương gây mùi nhớ, nhân vật chính hoài niệm vẻ đẹp, mùi hương của những cô gái họ từng nhớ thương.

    Ngoài ra, nhà văn cũng thể hiện sự hứng thú với ngôn ngữ, phong tục tập quán, cách sinh hoạt địa phương hay mô tả khung cảnh gắn liền với lối sống một thời, nhất là của người dân Nam bộ. Ông say mê chép lại tiếng nói, sưu tầm và giải thích ngữ nghĩa, đôi lúc đan cài câu hò, lời ca.

    Chân dung nhà văn Bình Nguyên Lộc (1914-1987). Ảnh: Trần Cao Lĩnh

    Chân dung nhà văn Bình Nguyên Lộc (1914-1987). Ảnh: Trần Cao Lĩnh

    Bình Nguyên Lộc (1914-1987) tên thật là Tô Văn Tuấn, quê Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay là tỉnh Bình Dương). Ngoài viết văn, ông còn là nhà văn hóa Nam bộ giai đoạn 1945-1975, nghiên cứu về dân tộc học, ngôn ngữ lẫn cổ văn.

    Suốt sự nghiệp, tác giả có khoảng 50 tiểu thuyết, 1.000 truyện ngắn và bốn cuốn sách nghiên cứu như Đò dọc (phần một, hai, ba, bốn), Mưa thu nhớ tằm, Cõi âm nơi quán cây dương, Mối tình cuối cùng, Tân liêu trai Hương quê. Một số tác phẩm của ông chưa kịp in đã bị thất lạc, hủy hoại trong chiến tranh.

    Vỹ Cầm

    About hoccattoc

    Speak Your Mind

    *

    Day Noi Mi / Hoc Cat Toc / Ao Thun Tay Ngan