Việc dán nhãn sách ở Việt Nam thực hiện thế nào

  • Hà Hồ, Pia Wurtzbach khám phá xưởng chế tác đồng hồ Bvlgari
  • Lý Nhã Kỳ thử kiểu tóc ngắn
  • Sách Ocean Vuong tái bản, dán nhãn 18+

  • Hiện trong nước chưa có quy định chung về phân loại sách có yếu tố tình dục, bạo lực, việc dán nhãn cảnh báo, độ tuổi do NXB chủ động.

    Đầu tháng 5, tiểu thuyết Một thoáng ta rực rỡ nhân gian (bản tiếng Anh: On Earth We’re Briefly Gorgeous), của tác giả Mỹ gốc Việt Ocean Vuong, gây tranh cãi vì có nhiều chi tiết về giới tính, tình dục, được chọn làm sách tham khảo tại một trường quốc tế. Nhiều ý kiến cho rằng sách nên được thông báo dành cho độc giả trên 16 tuổi. Từ sự việc này, chuyện dán nhãn, phân loại độ tuổi sách trong nước được độc giả quan tâm.

    Theo luật xuất bản hiện hành, chỉ có quy định phân loại với sách dành cho trẻ em. Trong đó, sách trẻ em (trừ sách giáo khoa) phải ghi rõ đối tượng phục vụ tại bìa 4 (bìa sau của sách) và trang đầu theo các lứa tuổi.

    Với sách cho người lớn, hiện không có lưu ý cho đối tượng độc giả cụ thể mà phân loại theo mảng sách, thể loại. Chẳng hạn, trong sách văn học có thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn. Với sách người lớn có yếu tố nhạy cảm, việc dán nhãn cảnh báo hoặc phân loại do các tổng biên tập, giám đốc nhà xuất bản chủ động.

    Giám đốc công ty HanoiBooks – Nguyễn Thị Thu Thủy – nói đơn vị của bà và nhiều công ty khác chủ động dán nhãn sách sau khi thẩm định nội dung. Nếu tác phẩm không phù hợp với lứa tuổi mới lớn, ban biên tập sẽ ghi chú trên trang bìa, ví dụ “sách 16+” hoặc “sách 18+”.

    Tương tự, đại diện nhà xuất bản Kim Đồng cho biết trên các ấn phẩm dành cho thanh thiếu nhi ghi rõ đối tượng bạn đọc ở bìa 4 (bìa sau của sách) và bìa phụ. Với các ấn phẩm dành cho các bậc phụ huynh, nhà xuất bản có tủ sách Làm cha mẹ và logo của tủ sách xuất hiện trên trang bìa đầu tiên (bìa 1). Với mảng sách hướng đến độc giả trẻ, độc giả tuổi trưởng thành, Kim Đồng lưu ý “Dành cho tuổi trưởng thành” ở bìa 1 của ấn phẩm.

    Theo bà Thu Thủy, việc phân loại sách theo độ tuổi không nên bắt buộc vì là trách nhiệm của đơn vị làm sách. “Mỗi người có nhu cầu đọc sách khác nhau. Vì thế, công ty xuất bản phải thẩm định nội dung, từ đó làm rõ thông điệp của sách lẫn đối tượng độc giả trước khi đến tay bạn đọc”, bà Thủy nói.

    Sáng 7/5, ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành – cho biết Cục đã gửi văn bản, yêu cầu Nhà xuất bản Hội Nhà văn, thẩm định lại nội dung bản tiếng Việt sách của Ocean Vuong. Ngoài ra, lãnh đạo Cục nhờ một số giáo sư đầu ngành đọc, đưa ra ý kiến. Theo ông, với các cuốn có yếu tố luyến ái, việc xây dựng các thủ pháp nghệ thuật là cần thiết, không nên quá gò bó. Tuy nhiên, sách có phù hợp với học sinh hay không lại là câu chuyện khác.

    Một số tác phẩm trên kệ sách bán chạy của một nhà sách ở TP HCM, ngày 7/5. Ảnh: Quế Chi

    Một số tác phẩm trên kệ sách bán chạy của một nhà sách ở TP HCM, ngày 7/5. Ảnh: Quế Chi

    Với kinh nghiệm mua xuất bản phẩm ở nhiều nước, ông Nguyễn Nguyên nhận thấy sách cho người lớn ở nước ngoài cũng hiếm khi được dán nhãn. Theo BookRiot, tại Mỹ không có bộ phận hoặc cơ quan chính thức làm việc phân loại sách như phim hay game. Mỗi nhà xuất bản tự đề xuất, khuyến cáo chung cho độc giả.

    Để giúp đỡ cha mẹ chọn các phương tiện nghe nhìn trong thời đại công nghệ phát triển, nhiều trang được lập ra để đánh giá, xếp hạng phim ảnh, chương trình TV, trò chơi, sách, dựa trên mức độ phù hợp với lứa tuổi. Họ có các danh mục để phụ huynh tìm kiếm đầu sách cho con mình, được đánh giá theo thang điểm từ 1 đến 5, trong đó có danh mục gợi ý những tác phẩm do trang lựa chọn phù hợp với độ tuổi độc giả.

    Danh mục những cuốn sách phổ biến với trẻ em, được phân theo độ tuổi, của một trang đánh giá sách nước ngoài. Ảnh chụp màn hình

    Danh mục những cuốn sách phổ biến với trẻ em, được phân theo độ tuổi, của một trang đánh giá sách nước ngoài. Ảnh chụp màn hình

    Các yếu tố về nội dung, ngôn ngữ lẫn tình dục, bạo lực cũng được một số chuyên trang đánh giá nêu rõ. Điển hình, cuốn Harry Potter và Bảo bối tử thần – tập 7 được trang Common Sense Media xếp vào sách cho độc giả trên 12 tuổi, giá trị giáo dục được chấm 3/5 điểm, mức độ bạo lực 4/5. “Sách có một số nội dung người lớn, như việc Harry và bạn bè ở tuổi 17 được coi là đủ tuổi uống rượu trong thế giới phù thủy, nhưng không bao giờ uống quá mức. Những câu văng tục chủ yếu gồm ‘chết tiệt’, ‘địa ngục’, ‘khốn nạn'”, trang này viết.

    Tes Magazine – chuyên trang về giáo dục của Anh – nhận định: “Người lớn thận trọng khi lựa chọn phim ảnh, trò chơi điện tử và khá thoải mái khi trẻ em tiếp xúc với các cuốn sách trong độ tuổi của chúng”.

    Trong khi đó, Simon Smith – Hiệu trưởng tiểu học East Whitby Academy ở Bắc Yorkshire (Anh) – lấy ví dụ The Hunger Games của tác giả người Mỹ Suzanne Collins được nhiều giáo viên lớp 6 giới thiệu cho học sinh, nhưng không phù hợp bởi “quá bạo lực, đen tối và ảm đạm”. Romeo và Juliet cũng như nhiều tác phẩm khác của Shakespeare chỉ phù hợp với lứa tuổi khoảng 13-14 trở lên, trong khi đa số học sinh Anh tiếp xúc chúng từ bậc tiểu học.

    Simon Smith khuyến nghị cho một số điểm nên cân nhắc khi giới thiệu sách cho học sinh. Giáo viên cần đọc toàn bộ nội dung sách, nghĩ về những kiến thức nền trẻ cần có khi đọc sách, tham khảo ý kiến chuyên gia. Cuối cùng, chuyên gia của tạp chí khuyên giáo viên nắm bắt giới hạn của phụ huynh và chính bản thân họ. Nếu cảm thấy không thoải mái với cuốn sách dù nổi tiếng, đừng đọc nó.

    Quế Chi – Hà Thu

    About hoccattoc

    Speak Your Mind

    *