Đường quốc lộ số 4 là đường chiến lược, tỏa ra nhiều ngả quan trọng, nên địch tổ chức án ngữ dày đặc sau khi chiếm được Cao Bằng.
Sách Hùm xám đường số 4 phát hành đầu tháng 5 – là tác phẩm từng được trao tặng giải cao nhất của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1999, hãng thông tấn BBC đánh giá là cuốn hồi ký chiến tranh hay nhất thế giới năm 2004.
Dịp sách tái bản, VnExpress đăng một số trích đoạn, tên các phần trích do nhà xuất bản đặt.
Đường quốc lộ số 4 chạy dọc theo biên giới Việt – Trung, suốt từ Đông Bắc, xuyên lên miền Tây Bắc. Khởi đầu ở mũi Ngọc vùng Móng Cái, Tiên Yên qua Đình Lập – Lộc Bình đến thị xã Lạng Sơn. Từ đây con đường nối Lạng Sơn với Cao Bằng dọc theo các điểm Đồng Đăng – Na Sầm – Thất Khê – Đông Khê đến tỉnh lỵ mà tiếp tới nút cuối của nó ở Nguyên Bình. Toàn bộ con đường dài 340 km xuyên qua ba tỉnh. Đường số 4 tỏa ra những điểm nối ngang vào nhiều ngả đường quan trọng. Ở Tiên Yên nó nối vào Đường số 18 để xuôi về Hòn Gai – Hải Phòng, từ Đình Lập có Đường số 13 xuôi về Chũ – Lục Nam – Bắc Giang. Ngang Lạng Sơn, nó gặp Đường số 1 dễ dàng xuôi Hà Nội.
Ngược lên Đồng Đăng là Mục Nam Quan giáp với Bằng Tường – Long Châu của Trung Quốc. Cũng từ Đồng Đăng rẽ vào đường huyện lỵ đi được tới chiến khu Việt Bắc qua các điểm Bình Gia – Bắc Sơn – Vũ Nhai – Đình Cả – Thái Nguyên. Ở Cao Bằng, Đường số 4 gặp Quốc lộ 3 xuôi xuống Bắc Cạn, ngược lên những điểm như Mã Phục – Trà Lĩnh, Phục Hòa, tiếp giáp với rất nhiều nơi thuộc vùng Quảng Tây – Trung Quốc.
Kẻ địch nhìn rõ tầm quan trọng của con đường chiến lược này, nên bằng mọi giá sau khi chiếm được Cao Bằng, chúng tổ chức án ngữ dày đặc, chặt chẽ suốt dọc Đường số 4. Vòng đai thép hình thành gồm trên 40 đồn bốt. Bên kia, quân Tàu Tưởng bố trí chặt chẽ hai vòng vây như hai gọng kìm khóa chặt lấy vùng biên giới. Chúng ngăn chặn mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Trung Quốc, đặc biệt chúng chặn các cửa ngõ để không thể có sự vận chuyển tiếp tế cho nhau bằng cơ giới. Phía ta quyết tâm cắt đứt đoạn yết hầu nuôi sống bọn chiếm đóng Cao Bằng mà từ hạt gạo, viên đạn đều phải do ngả Hà Nội – Lạng Sơn tiếp vận tới.
Tôi đã từng chiến đấu ở Đường số 9, số 7 và sau này trên vùng Tây Bắc. Cũng là những đường xuyên rừng núi hiểm trở, nhưng riêng Đường số 4 vẫn gây cho tôi ấn tượng mạnh mẽ về cái thế tuyệt địa khi giặc bị phục kích. Cứ như là thiên nhiên xếp đặt, giăng bẫy, tạo sẵn cửa tử, dắt ta dẫn dụ mai phục, buộc địch lâm thế bất lợi, tiến thoái lưỡng nan.
Ngày đó, tôi đến Tiểu đoàn 23 khi anh em đang gấp rút sắp đánh trận phục kích Bố Củng – Lũng Vài. Đơn vị này từ Tiểu đoàn trưởng Quyến đến chiến sĩ, đa số là người vùng Quảng Ninh, phần đông cán bộ đã từng là những chàng trai hoạt động từ thời kháng Nhật ở chiến khu Đông Triều. Cả Tiểu đoàn trưởng Quyến và Chính trị viên Ái đều vui vẻ nói:
– Anh đến thật đúng lúc. Chúng tôi vừa tổ chức trinh sát thực địa xong. Anh tham gia bài binh bố trận luôn.
Sau đó, Tiểu đoàn tập trung cán bộ Đại đội, thảo luận kế hoạch tác chiến. Tôi nghĩ thầm khi ngó nhìn sơ đồ: “Họ chọn Bố Củng – Lũng Vài rất đúng!”. Vì lẽ đoạn đèo Bông Lau – Lũng Phầy, Tiểu đoàn 374 của Trung đoàn 11 vừa đánh xong. Nay chọn đoạn gần Lạng Sơn, ắt càng tạo thế bất ngờ với địch. Hơn nữa, địa hình Bố Củng – Lũng Vài vô cùng hiểm trở. Con Đường số 4 vốn hẹp, tới đây lại bị gấp khúc theo sườn núi, một bên vách đứng, một phía khe sâu. Ở đoạn này, hai xe ngược chiều né tránh nhau rất khó. Vô phúc cho chúng, chỉ một chiếc xịt lốp, buộc cả đoàn Công-voa (một đoàn xe hoặc đoàn tàu cùng đi đến một nơi) ì ra đó, xếp hàng chờ chết nếu bị chặn đánh.
Trong cuộc bàn luận cách đánh, tôi bổ sung một ý kiến, dựa vào sự hiểu biết về thực lực giữa ta và địch hồi đó qua những ngày ở Ban nghiên cứu, Phòng tác chiến trên Bộ. Tôi nói:
– Các đồng chí nên lưu ý điểm này: Hiện tình giặc đang ở thế tiến công. Nhiều quan lính nhà nghề, từng đánh nhau qua cuộc Đại chiến thứ hai tới nay. Chúng biết ta phần nhiều chỉ là nông dân vào Vệ quốc đoàn với tấm lòng yêu nước. Ta đâu được học hành cặn kẽ về quân sự, hiểu sâu, nắm vững thuật dụng binh. Vũ khí ư? Đến khẩu súng trường, quả lựu đạn còn thiếu, nói chi tới loại hỏa lực mạnh như trung liên, súng cối. Vì vậy, bọn chúng, nhất là tụi Lê dương rất ngổ ngáo, kiêu ngạo, rất coi thường khả năng tác chiến của ta. Hễ nghe tiếng súng là chúng ào ạt phản công ngay bằng cách áp đảo ta cả về hỏa lực lẫn xung lực. Không nhận rõ điều này để bố trí trận địa, phân chia các mũi thích hợp, ta dễ bị lúng túng khi tình huống diễn biến bất ngờ.
Tiểu đoàn tán thành ý kiến đó và chúng tôi bố trí đội hình thành 3 tuyến từ chân lên đến đỉnh núi. Nếu địch táo tợn ào lên ta phải xung phong, vừa thọc sâu vào đội hình, vừa vu hồi đánh vòng sau lưng, ở tuyến đầu thì đã có tuyến hai đối phó. Cho dù chúng có xuyên được qua tuyến hai thì từ trên đỉnh núi, tuyến ba của ta đánh hất chúng xuống.
Chúng tôi dàn trận có chiều sâu như vậy vì ngày đó súng đạn của ta vừa cổ lỗ, vừa thiếu. Đã thế, lúc bắn, đạn bị xịt, lựu đạn không nổ là thường. Những ai đã từng qua thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp đều phải nếm cảnh súng đạn ẩm ương như chúng tôi cả. Có điều ngày ấy chẳng ai bực bội, thoái chí. Vừa thoát khỏi đời nô lệ, xưa kia đến con dao găm, lưỡi kiếm nhỏ có trong nhà còn phải vạ tù đầy, nói chi tới súng đạn. Giờ chính mình được sử dụng khẩu súng để đánh Tây là khoái rồi, dù chỉ là khẩu Mút-cơ-tông ngắn ngủn, hay khẩu súng Nga dài lêu nghêu. Mãi đến bây giờ tuổi đã cao, nhưng mỗi lần nhớ lại những năm tháng vào đầu cuộc kháng chiến trường kỳ của đất nước, tâm hồn tôi vẫn bừng lên niềm rạo rực, bồi hồi. Âm hưởng của lời ca Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi… cứ vương vấn dạt dào hoài trong tâm tưởng.
Chúng tôi chiếm lĩnh được trận địa từ đêm. Đông chưa tàn hẳn nên giá lạnh vẫn ôm ấp núi rừng Việt Bắc. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 23 chỉ mang trên mình bộ quần áo vải. Áo trấn thủ chưa có đủ cho mọi người. Anh em phần đông là thanh niên vùng xuôi, nom họ bé nhỏ chứ không to đậm như các chàng trai đất Cao – Bắc – Lạng. Nhưng họ tháo vát nhanh nhẹn, tính tình vui nhộn, lém lỉnh lạ. Buổi chiều hôm hành quân ra trận địa, có cậu cứ đánh trống mồm, hát nhại câu ca xưa rất tếu:
– Mình về nuôi cái cùng con, để anh “đánh giặc” ở nước non từ Lạng Sơn tới Cao Bằng. Ngày về anh tặng khẩu “Mút-cơ-tông”.
Trời lạnh, lúc hành quân vận động còn đỡ cái rét căm căm. Đến khi chờ địch ở trận địa mới buốt da, buốt thịt. Vậy mà các cậu lính trẻ vẫn vừa xuýt xoa, vừa tán cười lích rích:
– Ới! Pì-noọng ơi! Rét quá lố! Rét thấy ông bà ông vải thằng Tây mũi lõ vớ.
May mắn làm sao các anh ở Trung đoàn 11 lại tặng tôi chiếc áo trấn thủ. Vậy mà tôi vẫn thấy rét tái tê vì hơi lạnh của núi đá, giá buốt của sương muối, rét cóng qua từng cơn gió rừng xào xạc.
Còn tiếp…
Đặng Văn Việt (1920-2021), là người làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tổ tiên của ông là Quốc công Đặng Tất và danh tướng Đặng Dung có bài thơ Thuật hoài nổi tiếng đời Hậu Trần.
Ông là người treo cờ Việt Minh trước cửa Ngọ Môn, Huế vào ngày 17/8/1945 cùng người bạn học Cao Pha, Võ Quang Hổ trong cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền. Khi Pháp quay lại xâm lược Đông Dương, Đặng Văn Việt gia nhập quân đội Việt Minh và bắt đầu chiến đấu ở chiến trường Huế, được cử làm Chỉ huy trưởng Mặt trận đường số 9 (Hạ Lào 1945), Chỉ huy trưởng Mặt trận đường số 7 (Thượng Lào 1946). Nhờ thành tích trong chiến đấu, ông được điều ra chiến khu Việt Bắc làm lãnh đạo Ban nghiên cứu trực thuộc Bộ Tổng tham mưu.
Tên tuổi của Đặng Văn Việt gắn với những chiến công tại các trận: Bông Lau – Lũng Phầy, Bố Củng – Lũng Vài, Bản Nằm, Đông Khê, Bình Liêu. Năm 1953, ông đi học trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam và được giữ lại làm cán bộ nhà trường. Đặng Văn Việt được phong trung tá năm 1958 trong đợt phong quân hàm chính quy đầu tiên của quân đội. Ngoài viết hồi ký, ông còn dịch, biên soạn một số tác phẩm về chiến tranh xung quanh con đường số 4 lịch sử, trong đó có cuốn Con đường tử địa – sách của Charles Henry de Pirey, sĩ quan chỉ huy đại đội Pháp.
(Trích sách Hùm xám đường số 4, NXB Lao động)
Speak Your Mind