'Tiếng thét câm lặng' – số phận người Nhật thời hậu chiến

  • Đinh Y Nhung: 'Tôi tiếc vì chưa trả hiếu được cho cha mẹ'
  • Ernest Hemingway từng viết thư khuyên nhủ nhiều nhà văn
  • Thanh Thúy: 'Tôi gác việc để chăm con bị tăng động giảm chú ý'

  • Oe Kenzaburo mô tả sự ngột ngạt của con người thời kỳ chính trị xã hội biến động, trong “Tiếng thét câm lặng”.

    Sách xuất bản lần đầu năm 1967, đặt trong bối cảnh Nhật Bản sau Thế chiến II. Tác phẩm kể về Nedokoro Mitsusaburo và em trai Takashi trở về quê sau khi trải qua nhiều năm sống ở thành thị. Từ đây, những ký ức, bí mật gia đình bắt đầu lay chuyển cuộc sống của họ.

    Bìa Tiếng thét câm lặng. Sách 504 trang, Vương Hải Yến dịch, phát hành đầu tháng 4. Ảnh: Nhã Nam

    Bìa “Tiếng thét câm lặng”. Sách 504 trang, Vương Hải Yến dịch, phát hành đầu tháng 4. Ảnh: Nhã Nam

    Tiếng thét câm lặng mô tả sự tương phản giữa cá nhân và xã hội, giữa cá nhân và quá khứ của họ. Nhà văn Oe Kenzaburo tạo ra một không gian văn hóa Nhật Bản, với những truyền thống, tín ngưỡng, trong đó nhân vật có nhiều mâu thuẫn tâm lý. Nedokoro trải qua cú sốc tinh thần: Người con mới chào đời bị thiểu năng trí tuệ, vợ buồn bã trở nên nghiện rượu, bạn thân tự tử.

    Ngôn từ của tác giả không chỉ là công cụ để diễn đạt câu chuyện mà còn là cách khám phá sâu tâm trạng của nhân vật và tình hình xã hội. Mỗi người đều đối mặt vô vàn khó khăn, đối diện quá khứ và tương lai, sự cô đơn, mất mát và hy vọng.

    Bên cạnh đó, sách phản ánh sự sụp đổ của những giá trị truyền thống và sự đổi mới của xã hội Nhật Bản trong thời kỳ hậu chiến tranh. Tác giả khai thác đề tài như tội ác, sự cô đơn và việc tự sát, tạo nên tác phẩm nhân văn và mang nhiều suy ngẫm.

    Theo đại diện nhà xuất bản, tên sách Tiếng thét câm lặng chỉ sự vô hình, là biểu tượng cho cảm xúc sâu kín và nỗi đau không thể diễn tả bằng lời nói. Từ đó, tác phẩm khơi gợi cảm giác bất an và nỗi đau tiềm tàng, đồng thời mở ra việc chiêm nghiệm về ý nghĩa cuộc sống. “Tác phẩm là nỗ lực của Oe Kenzaburo trong việc gói gọn lịch sử, xã hội và chính trị Nhật Bản trong câu chuyện chặt chẽ”, đơn vị phát hành cho biết.

    Sách nhận nhiều lời khen từ độc giả. Theo Guardian, Tiếng thét câm lặng được ủy ban giải thưởng Nobel coi là tác phẩm quan trọng nhất của Kenzaburo, “cho người đọc cái nhìn về khả năng kể chuyện bậc thầy”. Tờ Independent nhận xét: “Nhà văn khéo léo tìm cách đưa một số chi tiết hài hước vào câu chuyện bi kịch”. Còn tác giả Kim Các Tự Yukio Mishima đánh giá là “đỉnh cao mới của tiểu thuyết Nhật Bản thời hậu chiến”.

    Kenzaburo Oe phát biểu tại một cuộc mít tinh phản đối việc khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân ở Tokyo, tháng 6/2012. Ảnh: Reuters

    Kenzaburo Oe phát biểu tại một cuộc mít tinh phản đối việc khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân ở Tokyo, tháng 6/2012. Ảnh: Reuters

    Oe Kenzaburo (1935-2023) là một trong những tác gia lớn của văn học Nhật Bản. Ông đoạt giải Nobel Văn học năm 1994, là người thứ hai chiến thắng sau Kawabata Yasunari. Tác giả bắt đầu sự nghiệp vào những năm 1950 khi còn là sinh viên Đại học Tokyo, chịu ảnh hưởng từ văn học đương đại Pháp và Mỹ. Tác phẩm Những con cừu người của ông xuất bản năm 1958, đưa tác giả sánh ngang tầm với giới văn chương Nhật lúc bấy giờ. Năm 23 tuổi, với tiểu thuyết Nuôi thù, ông nhận được giải Akutagawa, giải thưởng văn học hàng đầu Nhật Bản.

    Suốt sự nghiệp, Kenzaburo khám phá trực diện các chủ đề phức tạp, gây tranh cãi. Những câu chuyện thường đề cập đến lịch sử Nhật Bản, Thế chiến II, cuộc khủng hoảng bản sắc sau chiến tranh của đất nước. Ông tham gia nhiều hoạt động đấu tranh cho hòa bình, chống vũ khí, năng lượng hạt nhân và nhân quyền. Tác giả qua đời hồi tháng 3/2023 ở tuổi 88 do tuổi cao sức yếu.

    Quế Chi

    About hoccattoc

    Speak Your Mind

    *