TP HCMÔng Lê Kiên Thành khuyến khích người trẻ góp tiếng nói thay đổi cuộc sống qua việc nhìn, nghĩ, hành động và viết.
Những khoảnh khắc sống được tái bản 2.000 cuốn hồi cuối tháng 3, có bổ sung so lần ra mắt đầu tiên. Ở buổi giao lưu tại TP HCM chiều 14/4, Tiến sĩ Lê Kiên Thành cho biết ấn phẩm đầu tay còn thiếu sót, quên vài chi tiết quan trọng về nhân vật ở phần Truyện lẫn Tự sự. Trong bản mới nhất, ông thêm các thông tin liên quan nhằm giúp bạn đọc cảm nhận rõ hơn số phận nhân vật và bối cảnh.
Tác giả kỳ vọng 17 tản văn có thể tiếp cận đối tượng trẻ, khiến họ thấy có ích. Ông nói vui khi hàng nghìn độc giả, trong đó có cả thế hệ 9x lẫn sinh sau năm 2000 nhấn “thích”, tương tác loạt bài ông viết về thời chiến lẫn vụn vặt thường nhật trên Facebook cá nhân. Đó là động lực để ông tiếp tục sáng tác.
Ông Lê Kiên Thành khuyến khích người trẻ tích cực quan sát cuộc sống, suy nghĩ, đưa ý tưởng vào trang viết và biến mỗi tác phẩm thành “tiếng nói” trong xã hội. Ông lý giải càng có nhiều tiếng nói, cuộc sống sẽ thay đổi lớn. “70 tuổi như tôi còn viết được, huống gì các bạn còn trẻ, có thể sáng tác rất lâu, rất nhiều và hay”, tiến sĩ nói.
Suốt buổi trò chuyện, Lê Kiên Thành thể hiện phong thái điềm tĩnh, lối nói chuyện khúc chiết. Ông không ngại khi được gọi là “nhà văn trẻ”, kỳ vọng mọi người nhớ đến mình với tư cách người kể chuyện, chứ không phải danh xưng “con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn”.
Ông lên ý tưởng ra mắt sách từ nhiều năm trước, nhưng chỉ viết sung sức nhất trong giai đoạn Covid-19 bùng phát toàn cầu, phải ở yên một chỗ. Cuộc đời Henri Charriere, tác giả cuốn Papillon – người tù khổ sai, có ảnh hưởng lớn đến Lê Kiên Thành, truyền cảm hứng và thôi thúc ông viết những gì đã kinh qua, mắt thấy, tai nghe.
Sách gồm 188 trang với 17 câu chuyện mang thông điệp tôn vinh phẩm giá con người, các mối quan hệ gia đình và xã hội trong thời chiến lẫn cuộc sống thường nhật. Từng trang viết tái hiện chân dung các thành viên gia đình, đồng đội, bạn bè hay những người tác giả gặp thoáng qua trong đời. 15 tranh minh họa của nghệ sĩ Thành Chương giúp câu chuyện thêm sinh động, giàu tính ẩn dụ.
Lê Kiên Thành khiến khán giả xúc động khi thuật lại câu chuyện của Tôn – lính không quân 52 năm trước – trong bài Đồng đội. Một lần làm nhiệm vụ huấn luyện ở biên giới, máy bay của Tôn bị Trung Quốc bắn rơi. Suốt bốn năm bị giam cầm xứ người, anh chịu nhiều gian khổ, không ít lần tính vượt ngục để về với quê hương, đồng đội.
Năm 1991, Tôn được trả tự do, nhưng lại nhận sự lạnh nhạt trên chính quê hương. Trong sách, Lê Kiên Thành giải thích rõ chi tiết này: “Thật đau đớn, sau niềm vui vô bờ bến của tự do là những nụ cười nửa miệng, ánh mắt lành lạnh, những cái bắt tay hững hờ. Không phải tất cả, nhưng thật chua chát khi phải chịu đựng điều đó. Tôi không biết nói gì với bạn. Còn bạn nắm tay như muốn động viên tôi, và mỉm cười. Tôi chợt thấy tim mình đau nhói khi lần đầu trong đời hiểu trọn vẹn hai tiếng: Cười buồn”.
Các nhân vật khác trong tản văn Làng ven sông, Bàn học bên Hồ Tây, Mối tình đầu, Gia đình má Chín Nhơn, Tiểu đội trưởng, Bà Nội, Chị tôi, Hoa phượng đỏ hay Cô gái trong quán cà phê là những mảnh ghép quan trọng trong cuộc đời thăng trầm của Lê Kiên Thành.
Cuốn sách đầu tay của ông Lê Kiên Thành nhận phản hồi tích cực từ đồng nghiệp lẫn độc giả. Đạo diễn kiêm nhà văn Xuân Phượng – tác giả cuốn Gánh gánh gồng gồng – nhận định Lê Kiên Thành có “trái tim nhạy cảm, nhân hậu”. Qua từng mẩu chuyện, bà Xuân Phượng thấy rõ một thực tế: Sự đau đớn, chia lìa, hy sinh, cố gắng trong thời chiến lẫn hậu chiến đều cay đắng như nhau.
“Tôi rất tiếc vì mình quá già, 95 tuổi, giá trẻ lại chừng 60 tuổi, tôi xin được làm phim về các nhân vật xuất hiện trong Những khoảnh khắc sống, tri ân những người đã đổ xương máu vì hòa bình”, Xuân Phượng nói, đôi lúc run người vì xúc động. Đạo diễn đọc một đoạn bà tâm đắc ở tản văn Hoa phượng đỏ.
Nhà báo Yên Ba – người biên tập bản thảo Những khoảnh khắc sống – nói không chỉnh sửa quá nhiều cách hành văn của tác giả. Với ông, câu từ qua ngòi bút Lê Kiên Thành đôi lúc vụng dại nhưng chân phương, lay động. Yên Ba đánh giá cao Lê Kiên Thành và nhóm tác giả không phải dân viết lách chuyên nghiệp nhưng có sách bán chạy trên thị trường xuất bản gần đây như các cuốn sách của: Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (cuốn Người thầy) hay Xuân Phượng (Gánh gánh gồng gồng).
Nhà báo Lương Bích Ngọc và nhà văn 8x Tống Phước Bảo nói từng câu chữ của Lê Kiên Thành không trau chuốt, hoa mỹ nhưng chạm đến cảm xúc người đọc. Phước Bảo cho rằng với thế hệ 8x-9x, chiến tranh chỉ có trong trang sách hay phim tư liệu. “Vì vậy, đáng quý và thiết thực nhất vẫn là câu chuyện được kể từ những người đã trải qua chiến tranh”, Tống Phước Bảo nói.
Tương tự, họa sĩ Thành Chương nhận xét lối kể của Lê Kiên Thành chân thật, dung dị từ đáy lòng, lấy nước mắt người đọc. Trước đó, Thành Chương từ chối vẽ minh họa, nhưng sau thay đổi quyết định vì bị thu hút bởi nội dung.
Trước khi khép lại buổi giao lưu, Lê Kiên Thành tiết lộ sẽ kết hợp Bình Ca – tác giả cuốn Quân khu Nam Đồng – viết sâu hơn câu chuyện của nhân vật Tôn – người bạn bị giam cầm ở Trung Quốc bốn năm. Bên cạnh đó, ông ấp ủ cuốn sách tiếp nối Bên nhau trọn đời – hồi ký chưa được xuất bản của mẹ ông, nhà cách mạng Bảy Vân, người vợ miền Nam của cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn.
Ông Lê Kiên Thành từng được đào tạo tại Trường Lái máy bay Kratxnoida và Học viện Kỹ sư không quân Giucopxky, Liên Xô; là nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Dupna, Liên Xô. Sau đó, ông công tác tại Bộ Tư lệnh Không quân Việt Nam, Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, Viện Khoa học Việt Nam. Năm 1993, ông lấn sân kinh doanh, lĩnh vực ngân hàng và sản xuất. Ngoài vai trò doanh nhân, Lê Kiên Thành cũng là một cây bút chính luận được nhiều người biết đến.
Vỹ Cầm
Speak Your Mind