Sách “Đủ duyên ta lại tương phùng”, “Sát-na này là thiên thu”, “Tịch tịnh” hướng mọi người xóa sân hận, tuyệt vọng, tìm đến bình yên.
Bộ sách tập hợp các bài viết ngắn của thầy Thích Đồng Tâm suốt quá trình tu học, giảng dạy Phật pháp. Trong đó, Đủ duyên ta lại tương phùng và Sát-na này là thiên thu được tái bản có chỉnh sửa, bổ sung, khoác diện mạo mới. Còn Tịch tịnh là sáng tác mới nhất, lần đầu ra mắt.
Qua trang viết của Thích Đồng Tâm, độc giả có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp khác nhau của đời sống, từ nhành hoa, ngọn cỏ, đến con kiến, tách trà. Thậm chí nỗi buồn cũng mang vẻ đẹp riêng, nhưng đôi khi người ta chưa nhận ra.
Trong Sát-na này là thiên thu, tác giả phân tích thuật ngữ Sát-na (Kṣaṇa) theo triết lý nhà Phật – đơn vị phân chia thời gian rất nhỏ, chỉ 0,013 giây. Mỗi sát-na trôi qua có muôn vàn sinh diệt, biến chuyển. Điều này đồng nghĩa không gì tồn tại mãi mãi và chúng ta chỉ có thời khắc hiện tại để sống trọn vẹn trong chánh niệm, tỉnh giác.
Ông Thích Đồng Tâm cho rằng rất nhiều người không hiểu thực tế trên, họ mải miết tìm về quá khứ hoặc trông ngóng tương lai, rồi tự khiến bản thân đau khổ vì dục vọng. Tác giả lý giải chỉ cần bớt chút mong cầu, đời sẽ nhẹ tênh, hạn chế hờn ghen, đường đời rộng mở.
“Ngắn ngủi, vô thường, chứa đựng sinh diệt, sát-na chính là đời người. Hiểu điều ấy, ta càng thấy rõ cách duy nhất để sống trọn vẹn, không lãng phí phút giây nào chính là phát triển tâm lành, lòng thiện, sự bao dung và thấu hiểu. Bởi vì sau cùng, mọi thứ khác đều biến đổi, biến mất hoặc thành ra không quan trọng”, tác giả viết.
Từ các tản văn, người viết kỳ vọng độc giả có thể nhìn đời bằng ánh mắt yêu thương, chánh niệm, nhận thức trong mỗi sát-na ngắn ngủi đều tồn tại sinh diệt. Do đó, quá khứ và tương lai không quan trọng bằng mỗi phút giây hiện hữu. Hiện tại là nhất thời nhưng cũng có thể là thiên thu, nếu ta sống trọn từng khoảnh khắc.
Với Đủ duyên ta lại tương phùng, Thích Đồng Tâm gợi ý độc giả cách chiêm nghiệm mọi khía cạnh cuộc sống trên nền tảng chữ “duyên” – vốn là giáo lý nhà Phật. Trong tương giao của muôn vật, muôn người đều tồn tại chữ duyên, nếu không đủ trong sáng và từ bi, người đời dễ vướng mắc, khổ lụy.
Qua loạt bài viết ngắn hoặc dài, tác giả tập trung truyền tải triết lý xoay quanh ý niệm về hạnh phúc, tình thương, khổ đau. Một trong những quan điểm nổi bật là: “Yêu trong lời nói, thương trong lặng thinh. Nói càng nhiều, tình thương yêu càng trở nên nông cạn và hời hợt. Ngồi yên và lắng nghe để cảm nhận tình yêu chân thật là gì”.
Thích Đồng Tâm cho biết viết sách với tâm nguyện bầu bạn cùng người hữu duyên, mong tất cả có thể bình an bước qua gập ghềnh, va vấp, vẫn giữ lòng từ bi và tâm trong sáng, đối đãi nhau bằng hiểu biết, tình thương.
Còn cuốn Tịch tịnh mô tả sự thay đổi về phong cách tự sự, xoay quanh “cái thấy, cái biết, về thực tại pháp có mặt trong sự tương giao mầu nhiệm, đẹp đẽ giữa ta và cuộc đời này”.
Trong Phật ngữ, tịch tịnh là sự an lành, tĩnh tại, vắng lặng, thoát khỏi trói buộc bởi vô minh và phiền não. Đó cũng là cảnh giới niết bàn và sự giải thoát cao nhất của Phật giáo – xa lìa khổ đau, yên lặng thường trụ, không sinh không diệt. “Đức Phật chỉ ra nguồn hạnh phúc vô biên chẳng ở đâu xa, chẳng cần vất vả kiếm tìm, nó có sẵn trong mỗi người và chỉ cần quay về ta sẽ thấy ngay”, sách có đoạn.
Tác giả cũng cho rằng bị ai đó phụ bạc cũng không sao, nhưng bạn không nên phụ bạc chính mình. “Đừng phụ bạc hiện tại bởi từng giây phút dù đẹp đẽ hay khổ đau cũng là thực tại nhiệm màu mình đang sống”, sách viết.
Trước khi xuất gia tu học, thầy Thích Đồng Tâm tốt nghiệp thạc sĩ ngành Địa lý kinh tế xã hội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, từng giảng dạy khoa Địa trong ba năm. Về sau, ông lấy bằng thạc sĩ Phật học trường MCU Thái Lan, thạc sĩ Phật học ở Đại học Phật giáo quốc tế Sri Lanka. Hiện ông giảng dạy và làm nghiên cứu sinh ở Sri Lanka.
Vỹ Cầm
Speak Your Mind