'Hùm xám đường số 4' – hồi ức kháng chiến

  • Điểm danh những nàng hậu có hình thể đỉnh nhất Vbiz, có người còn sánh ngang với lực sĩ
  • 4 thức uống mùa đông giúp da sáng mịn
  • Dốc cạn túi “dao kéo“ trùng tu nhan sắc trước Tết

  • Người Pháp từng đặt cho trung tá Đặng Văn Việt biệt danh “Hùm xám đường số 4” (le Tigre gris de la RC4) hay “tiểu tướng Napoléon” (mon petit Napoléon).

    Trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1945-1954, có một con người ở cấp bậc trung tá, chỉ huy trưởng một trung đoàn được nhân dân vùng Cao – Bắc – Lạng (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn) xưng tụng là “Đệ tứ lộ Đại vương”.

    Bìa Hùm xám đường số 4. Sách 200 trang, phát hành đầu tháng 4. Ảnh: HanoiBooks

    Sách “Hùm xám đường số 4” 200 trang, phát hành đầu tháng 4, từng được trao tặng giải cao nhất của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1999. Sau nhiều năm kể từ lần xuất bản đầu tiên, NXB Lao Động và HanoiBooks in ấn, phát hành lại tác phẩm này. Ảnh: HanoiBooks

    Năm 1985, sau khi về hưu, Đặng Văn Việt bắt tay viết hồi ký. Ông đã viết nhiều tác phẩm về chiến tranh xung quanh con đường số 4 lịch sử, song nổi tiếng nhất là hồi ký với lời đề tặng: “Kính tặng đồng bào và chiến sĩ đường số 4 anh hùng”.

    Ở phần một mang tên Cuộc chiến trên đường số 4, người lính già năm xưa kể lại những trận đánh, nhấn mạnh lòng dũng cảm, sự mưu trí, tinh thần hy sinh của các chiến sĩ. Phần hai mang tên Nhiệm vụ cao cả, về những ngày chiến đấu và giúp sức cho quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc. Ông Đặng Văn Việt nêu lý do viết phần này: “Năm tháng qua đi, ghi lại những dòng hồi tưởng về một thời kỳ rất đa dạng trên chiến trường biên giới phía Bắc, tôi muốn nói lên cái trong sáng vô tư, tinh thần quốc tế vô sản của bộ đội ta, một đội quân chẳng những chỉ chiến đấu mãnh liệt, dũng cảm vì độc lập tự do của Tổ quốc mình, nhân dân mình, mà còn vì cả sự nghiệp cách mạng của bạn bè khi họ còn chung số phận thù trong giặc ngoài, chưa giải phóng được đất nước như ta vậy”.

    Sách có phần nói về Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, thắng lợi có tính chất bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tạo đà cho trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” sau này. Phần bốn là tâm tình của ông: “Viết những trang hồi ký Đường số 4 – con đường lửa này, những mong bộc bạch, thổ lộ mối tình cảm sâu nặng nhất, những kỷ niệm đẹp đẽ nhất trong cuộc đời chiến đấu của người cán bộ trong đội hình Trung đoàn 174, đứa con đầu lòng của lực lượng vũ trang Cao – Bắc – Lạng thời chống Pháp”.

    Tác giả Đặng Văn Việt thời trẻ. Ảnh: Tư liệu gia đình cung cấp

    Ông Đặng Văn Việt thời trẻ. Ảnh: Tư liệu gia đình cung cấp

    Hồi ký Đặng Văn Việt từng được hãng thông tấn BBC đánh giá là cuốn hồi ký chiến tranh hay nhất thế giới năm 2004. Đại tướng Hoàng Văn Thái (1915-1986) viết về cuốn sách: “Một số sự kiện, tên người và địa danh, từng được ghi vào sử sách, nay sống lại một cách sôi động và phong phú. Cuốn sách nêu được một số nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Tôi thành thực hoan nghênh tác giả và cho rằng đây là một cuốn sách quý, không riêng đối với quân và dân Cao – Bắc – Lạng mà cả đối với quân và dân cả nước”.

    Đặng Văn Việt (1920-2021), là người làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tổ tiên của ông là Quốc công Đặng Tất và danh tướng Đặng Dung có bài thơ Thuật hoài nổi tiếng đời Hậu Trần. Ông nội là Đình nguyên Hoàng giáp Đặng Văn Thụy (đậu khoa Giáp Thìn năm 1904), từng làm Tế tửu Quốc Tử Giám. Bà nội là Cao Thị Bích, con gái của Đông các Đại học sĩ Cao Xuân Dục. Cha là Phó bảng Đặng Văn Hướng (đậu khoa Kỷ Mùi năm 1919), từng làm Tham tri Bộ Hình triều đình nhà Nguyễn, Tổng đốc Nghệ An thuộc chính phủ Trần Trọng Kim. Mẹ là bà Hoàng Thị Hiến, cháu ruột học giả Hoàng Đạo Thúy. Trong gia tộc của ông còn có nhiều nhân sĩ trí thức, tư sản có tiếng tăm thời trước và sau năm 1945.

    Ông từng học trường Quốc học tại Huế, sau đó là bốn năm tại trường Lycée de la Providence khi người cha sang Pháp công tác. Về nước, ông theo học tiếp tại trường Trung học Khải Định. Năm 1942, Đặng Văn Việt ra Hà Nội học tại Trường Cao đẳng Y khoa Đông Dương. Ông thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, đọc được cả hai cổ ngữ là chữ Latin và chữ Hy Lạp cổ.

    Khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương vào tháng 3/1945, Cao đẳng Y khoa đóng cửa. Đặng Văn Việt trở về Huế tham gia Việt Minh. Ông là người treo cờ Việt Minh trước cửa Ngọ Môn, Huế vào ngày 17/8/1945 cùng người bạn học Cao Pha, Võ Quang Hổ trong cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền. Khi Pháp quay lại xâm lược Đông Dương, Đặng Văn Việt gia nhập quân đội Việt Minh và bắt đầu chiến đấu ở chiến trường Huế, được cử làm Chỉ huy trưởng Mặt trận đường số 9 (Hạ Lào 1945), Chỉ huy trưởng Mặt trận đường số 7 (Thượng Lào 1946). Nhờ thành tích trong chiến đấu, ông được điều ra chiến khu Việt Bắc làm lãnh đạo Ban nghiên cứu trực thuộc Bộ Tổng tham mưu.

    Năm 1947, ông được cử làm Chỉ huy trưởng Mặt trận đường 4. Năm 1948, ông kiêm chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28 và bắt đầu ghi dấu ấn với những chiến công lẫy lừng trên đường số 4 – tuyến đường giao thông quan trọng bậc nhất của vùng chiến lược Cao – Bắc – Lạng và đông bắc Bắc Bộ, dài 420 km dọc theo biên giới Việt – Trung, trong đó phải kể đến các trận phục kích trên đèo Bông Lau từ năm 1947 đến 1949, diệt hơn 100 xe cơ giới quân sự Pháp. Những danh xưng oai hùng của ông ra đời từ đây.

    Chân dung cụ Đặng Văn Việt (1920-2021). Ảnh: Tư liệu gia đình cung cấp

    Chân dung cụ Đặng Văn Việt (1920-2021). Ảnh: Tư liệu gia đình cung cấp

    Năm 1949, ông làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, tiếp tục ghi dấu ấn thắng lợi ở các chiến dịch Biên giới (1950), chiến dịch Tây Bắc (1952), chiến dịch Hòa Bình (1952). Tên tuổi của Đặng Văn Việt gắn với những chiến công tại các trận: Bông Lau – Lũng Phầy, Bố Củng – Lũng Vài, Bản Nằm, Đông Khê, Bình Liêu. Năm 1953, ông đi học trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam và được giữ lại làm cán bộ nhà trường. Đặng Văn Việt được phong trung tá năm 1958 trong đợt phong quân hàm chính quy đầu tiên của quân đội.

    Năm 1960, Đặng Văn Việt giải ngũ để tiếp tục phục vụ trong một lĩnh vực mới. Ông học thêm bằng kỹ sư, tiếp tục chiến đấu trên mặt trận xây dựng đất nước với tư cách Cục phó Cục Vật liệu xây dựng, rồi Cục phó Cục Xây dựng cơ bản thuộc Tổng cục Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đến khi nghỉ hưu.

    Hà Thanh Vân

    About hoccattoc

    Speak Your Mind

    *

    Day Noi Mi / Hoc Cat Toc / Ao Thun Tay Ngan