Trong “Theo dấu hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại”, tác giả cho rằng nơi sinh của hoàng hậu ở Sài Gòn xưa, không phải tỉnh Tiền Giang.
Tại buổi ra mắt sách hôm 18/5 ở TP HCM, tác giả Nguyễn Phước Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thúy đưa ra góc nhìn theo tìm hiểu riêng về hai nhân vật quan trọng của triều Nguyễn.
Cụ thể, một số tiểu sử hoàng hậu Nam Phương viết bà sinh ngày 4/12/1914 tại Gò Công (Tiền Giang), có thân phụ là ông Nguyễn Hữu Hào, trong một gia đình đại điền chủ ruộng đất trải dài các tỉnh miền Nam. Bà cũng được cho là cháu ngoại ông Lê Phát Đạt – một trong bốn người giàu nhất xứ Nam Kỳ, thuộc một gia đình Công giáo lâu đời. Ông xây cất nhà thờ Huyện Sỹ, là cháu chắt của Thánh tử đạo Mathieu Lê Văn Gẫm.
Nhưng theo ông Đào và bà Thúy, phần lớn những chi tiết này “không chính xác”. Để xác minh nơi sinh của Nam Phương hoàng hậu, hai tác giả tìm hiểu xuất thân của ông Nguyễn Hữu Hào. Khi đến Gò Công (Tiền Giang), họ tiết lộ không ai biết thân phụ ông Nguyễn Hữu Hào là ai, đồng thời không liên quan đến mảnh đất này.
Theo tác giả, Nguyễn Hữu Hào sinh ra trong một gia đình nghèo theo Công giáo, gốc ở làng Tân Hòa, thuộc địa phận Chợ Lớn (TP HCM ngày nay). Lý do có sự nhầm lẫn là bởi địa danh Gò Công trong thời gian này xuất hiện ở hai nơi: Một thuộc thành phố Thủ Đức ngày nay, và nơi còn lại ở tỉnh Định Tường, nay là Tiền Giang.
Nguyễn Hữu Hào thuộc một gia đình ngoan đạo. Nhờ sáng láng, ông được gửi học giáo lý ngay từ rất sớm. Sau khi về nước, ông làm việc cho tỷ phú Lê Phát Đạt – ông ngoại của hoàng hậu Nam Phương – sau đó đem lòng yêu thương bà Lê Thị Bình, con gái ông Đạt, qua đó từng bước tạo lập tài sản từ sự giúp đỡ của phía nhà vợ.
Trong sách, tác giả viết: “Nam Phương hoàng hậu thực sự là người Nam Kỳ, sinh trưởng tại Sài Gòn, quê ngoại ở Tân An (Long An), quê nội ở Long Thạnh Mỹ (thành phố Thủ Đức)”.
Hai tác giả còn về xứ đạo Thánh Gẫm (trước đây gọi là họ đạo Gò Công, thuộc TP Thủ Đức ngày nay), quê hương của Thánh tử đạo Mathieu Lê Văn Gẫm. Sau đó, cả hai biết được ông Lê Phát Đạt không có họ hàng với vị thánh này.
Khi lần theo cây gia phả, họ phát hiện ông Nguyễn Hữu Hào mới thuộc dòng họ nói trên. Vì vậy, họ cho rằng gia đình bên nội của hoàng hậu Nam Phương có họ hàng với Thánh tử đạo Mathieu Lê Văn Gẫm, chứ không phải bên ngoại như các tài liệu từng ghi nhận.
Bên cạnh đó, ngày sinh của Nam Phương hoàng hậu cũng được cho là bí ẩn. Theo ghi chép trong Souverains et Notabilités d’Indochine (Tiểu sử vua chúa và thân hào các nước Đông Dương) do phủ Toàn quyền Pháp tại Đông Dương ấn hành năm 1943, bà được cho là sinh ngày 4/12/1914. Tuy nhiên, khi hoàng hậu mất, người ta lại thấy ngày sinh khác được khắc trên mộ bia của bà tại Pháp, 14/11/1913.
Sau quá trình nghiên cứu, tác giả cho rằng ngày sinh của hoàng hậu theo âm lịch là 17/10. Tuy nhiên, do sinh cùng năm với vua Bảo Đại, nên triều nhà Nguyễn có thể đã lùi năm sinh của bà xuống thêm một năm, để từ năm Sửu (1913) trở thành năm Dần (1914). Ngày 17/10/1914 âm lịch là ngày 4/12/1914 (lịch dương), dẫn đến sự nhầm lẫn về ngày sinh của Nam Phương hoàng hậu. Thực tế, ngày 17/10/1913 âm lịch nhằm ngày 14/11/1913.
Ngoài ra, ở cuốn sách, những câu chuyện bên lề được tái hiện, mang đến nhiều kiến giải, cung cấp thêm cái nhìn về hai nhân vật. Trong đó, tác phẩm đề cập hoạt động xã hội và thiện nguyện của hoàng hậu Nam Phương, quan hệ của bà với giới thượng lưu, quý tộc Pháp, 16 năm sống xa Việt Nam của bà cũng như công việc triều chính của vua Bảo Đại, câu chuyện tình cảm của ngoài hôn nhân của ông.
Tiến sĩ Nguyễn Phước Vĩnh Đào, 82 tuổi, là con cháu hoàng tộc triều Nguyễn. Ông Vĩnh Đào là cháu Miên Định (Thọ Xuân Vương), còn vua Bảo Đại là cháu của Miên Tông (vua Thiệu Trị).
Ông đạt tú tài trường JJR – Lê Quý Đôn tại Sài Gòn năm 1961, tốt nghiệp cao học Văn chương Pháp Đại học Văn khoa. Ông từng dạy tiếng Pháp tại trường Trung Nguyễn Trãi (1964 – 1966), làm việc tại Ngân hàng quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn (1966 – 1975), nghiên cứu văn học Pháp tại Đại học Sorbonne và bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1989. Từ năm 1986 – 2008, ông Vĩnh Đào làm việc tại Viện nghiên cứu quốc gia viễn thông Pháp.
Nguyễn Thị Thanh Thúy sinh ra và lớn lên tại Dran, Lâm Đồng. Bà tốt nghiệp cử nhân Xã hội học, là Hội trưởng Hội Quán Các Bà Mẹ. Từ năm 2018 đến nay, bà quan tâm các chủ đề lịch sử xoay quanh cuộc đời hoàng hậu Nam Phương.
Nam Phương hoàng hậu (1913-1963) tên thật Nguyễn Hữu Thị Lan. Năm 18 tuổi, bà và vua Bảo Đại gặp nhau lần đầu tại Đà Lạt. Ông chọn bà là người sát cánh trên cương vị “Đại Nam thiên tử” vì bà vốn dung mạo hơn người, tính hạnh thuần hậu, thuộc gia đình trâm anh, có học thức. Bằng học thức và tài năng, Nam Phương hoàng hậu hỗ trợ hoàng đế trong công việc và đời sống. Dù tại vị chỉ hơn 10 năm, sự nghiệp của bà bao trùm trên nhiều mặt, trở thành nguồn cảm hứng cho phong trào phụ nữ dấn thân vào xã hội, học tập, làm việc và phát triển bản thân.
Ngoài Theo dấu hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại, hiện trên thị trường có một số quyển sách về cuộc đời bà được xuất bản như Nam Phương – Hoàng hậu cuối cùng của Lý Nhân Phan Thứ Lang, Nam Phương hoàng hậu: Vị Quốc mẫu tân thời qua tư liệu báo chí (tác giả Tử Yếng Lương Hoài Trọng Tính), Nam Phương hoàng hậu (Lê Lan Khanh), Hoàng hậu Nam Phương qua một số tư liệu chưa công bố (Phạm Hy Tùng).
Hồi đầu tháng 5, đạo diễn Bảo Nhân và Nam Cito cho biết sẽ đưa chuyện tình hoàng đế Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương lên màn ảnh rộng lần đầu tiên, lấy tên phim là Hoàng hậu cuối cùng, bối cảnh chính ở Huế. Kịch bản lấy cảm hứng từ Tình sử Nam Phương hoàng hậu – tiểu thuyết nhà văn Trần Thị Hảo – và sách Nam Phương hoàng hậu của Lê Lan Khanh.
Minh Ngô
Speak Your Mind