Hong KongBức “Hoa” của Andy Warhol bán hơn 8,5 triệu USD, dẫn đầu loạt tác phẩm được đấu giá ngày 28/5.
Phiên do Christie’s tổ chức, quy tụ loạt tranh của các tên tuổi nổi tiếng phương Tây và Đông, trong đó có ba bức chủ đề tĩnh vật. Hoa của danh họa Mỹ Andy Warhol (1928-1987) đạt mức cao nhất với 66,6 triệu HKD (hơn 8,5 triệu USD).
Giới chuyên môn gọi tác phẩm là “bông hoa không bao giờ tàn” của nghệ thuật thế kỷ 20. Andy Warhol vẽ dựa theo bức ảnh chụp hoa mộc cận (dâm bụt kép) đăng trên tạp chí nhiếp ảnh năm 1964. Họa sĩ thực hiện Hoa theo gợi ý của một người giám tuyển, nhằm giảm bớt chủ đề bi thương, đau buồn mà Andy Warhol chuyên tâm bấy giờ.
Tác phẩm hoàn thành năm 1965, kích thước 208,3 x 208,3 cm, khắc họa bông hoa vàng trên nền lá xanh, tạo độ tương phản cao, sắc nét. Ông cũng thay đổi bố cục và một số chi tiết để tranh không quá giống bức ảnh trên tạp chí.
Andy Warhol thành danh từ thập niên 1960 với nhiều tác phẩm về người nổi tiếng và chủ nghĩa tiêu dùng như Marilyn Diptych, 100 Soup Cans, 100 Coke Bottles hay 100 Dollar Bills. Ông được mệnh danh là “Vua pop art” vì phong cách bậc thầy, tiên phong về nghệ thuật đại chúng, đậm dấu ấn cá nhân. Tranh của Andy Warhol đắt đỏ, năm 2022, bức Shot Sage Blue Marilyn (1964) của ông được bán với giá 195 triệu USD, trở thành tác phẩm nghệ thuật đắt giá nhất thế kỷ 20.
Cùng chủ đề hoa, ở phiên ngày 28/5, bức sơn dầu L’invitation au voyage của danh họa Bỉ René Magritte (1898-1967) đạt mức 42,7 triệu HKD (khoảng 5,5 triệu USD). Tác phẩm miêu tả bông hồng khổng lồ nằm giữa trời và biển, xung quanh là các đám mây màu sắc, những cánh chim.
Tranh Bình hoa của họa sĩ người Pháp gốc Trung Quốc Thường Ngọc được gõ búa ở mức 36,6 triệu HKD (4,7 triệu USD), gấp đôi so với mức ước tính của giới chuyên môn.
Thường Ngọc (tên tiếng Anh: Sanyu) sinh ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, thuở nhỏ học mỹ thuật ở Thượng Hải. Năm 1919, ông triển lãm thư pháp tại Tokyo, Nhật Bản. Năm 1920, được anh trai tài trợ, Thường Ngọc sang Pháp du học rồi định cư ở đây. Theo Sohu, ông từng trải qua giai đoạn bất cần, tiêu xài hoang phí, dẫn đến khuynh gia bại sản, trở thành nghệ sĩ nghèo. Thường Ngọc chết trong phòng làm việc năm 1966 vì ngộ độc khí gas.
Chương trình đấu giá cổ vật, tác phẩm nghệ thuật của Christie’s kéo dài đến hết ngày 29/5. Hôm qua, nhóm hacker tên RansomHub tuyên bố từng xâm nhập hệ thống website của hãng đấu giá, thu thập được thông tin cá nhân của ít nhất 500.000 khách hàng, bao gồm tên tuổi, ngày sinh, nơi sinh. Nhóm tin tặc yêu cầu Christie’s giao tiền chuộc, nếu không sẽ công khai thông tin của khách hàng.
Phía hãng đấu giá xác nhận đầu tháng 5, website của hãng bị tấn công, những người này thu thập được thông tin cá nhân của “một bộ phận nhỏ” khách hàng. Chưa có bằng chứng cho thấy hồ sơ tài chính hay giao dịch của công ty bị rò rỉ. Hãng này đang làm việc với các cơ quan chính phủ, cơ quan quản lý quyền riêng tư đồng thời chuẩn bị thông báo tình hình với khách hàng bị ảnh hưởng vì vụ tấn công trang web.
Nghinh Xuân (theo The Value)
Speak Your Mind